Tổng quan quy chuẩn, tiêu chuẩn về thang máy

Tổng quan quy chuẩn tiêu chuẩn về thang máy

Nhiều độc giả của Tạp chí Thang máy vẫn thắc mắc rằng thang máy thuộc quản lý trực tiếp của đơn vị nào và các quy định, chế tài liên quan đến thang máy cần tìm kiếm ở đâu. Để giải đáp những vấn đề này, Tạp chí Thang máy tổng hợp các thông tin về hành lang pháp lý của ngành thang máy, mang đến những thông tin hữu ích có tính tham khảo cho độc giả.

Thực tế, thang máy là một sản phẩm liên đới nhiều vấn đề trong đời sống nên mỗi lĩnh vực liên sẽ do một đơn vị chức năng quản lý. Như vấn đề an toàn lao động được quy định trong Luật An toàn, vệ sinh lao động (2015) do Quốc hội ban hành, vấn đề về kỹ thuật thang máy lại do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) và Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý,…

I. Thang máy là thiết bị yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động

Theo khoản 4 Điều 3 Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007, thang máy là sản phẩm, hàng hóa nhóm 2: Sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn là sản phẩm, hàng hóa trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích, vẫn tiềm ẩn khả năng gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường.

Theo Thông tư 36/2019/TT-BLĐTBXH Ban hành danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, thang máy nằm trong Mục I: Các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

Theo đó, thang máy dù nhập khẩu hay sản xuất cũng cần đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu về quy chuẩn kỹ thuật cũng như các công tác kiểm định, bảo trì, bảo dưỡng theo quy định.

1. Quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn

Cụ thể về quy chuẩn kỹ thuật, nhiều người tiêu dùng thường bị lầm tưởng về khái niệm “tiêu chuẩn” từ các nhãn hàng mà không biết rằng để đảm bảo chất lượng thì sản phẩm cần đáp ứng các yêu cầu về quy chuẩn kỹ thuật gồm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật địa phương. Bảng so sánh dưới đây sẽ chỉ ra sự khác nhau giữa quy chuẩn kỹ thuật (QCVN) và tiêu chuẩn (TCVN) giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn:

So sánh giữa QCVN và TCVN

Quy chuẩn đối với thang máy đến trước ngày 01/07/2021 có 4 văn bản lưu hành có hiệu lực, sau thời điểm này đã được gộp lại còn 2 văn bản. Tên các loại văn bản bao gồm:

Tên văn bản quy chuẩn

 

Các văn bản quy định QCVN đối với thang máy do Bộ LĐ-TB&XH ban hành

Còn đối với tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), hiện chúng ta có 5 văn bản quy định các tiêu chuẩn quan trọng về thang máy, độc giả có thể đọc chi tiết tại: 5 tiêu chuẩn Việt Nam quan trọng về thang máy. Vì tiêu chuẩn là những tiêu chí không bắt buộc, hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm nên đôi khi tiêu chuẩn của quốc gia này chưa chắc đã đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về quy chuẩn kỹ thuật của quốc gia khác. Chính bởi vậy, người tiêu dùng và doanh nghiệp đều cần phân biệt rõ các khái niệm này và tuân thủ theo những yêu cầu của pháp luật. Ngoài ra, ngoài các tiêu chuẩn chung phía trên, việc ra đời Hiệp hội Thang máy Việt Nam và Viện nghiên cứu ứng dụng Kỹ thuật thang máy là những tổ chức xã hội – nghề nghiệp mang tính chuyên môn đầu tiên về lĩnh vực thang máy cũng hứa hẹn sẽ đưa ra những tiêu chuẩn chất lượng riêng của Việt Nam hướng đến nâng cao chất lượng sản phẩm thang máy trong thời gian tới.

2. Chứng nhận hợp quy và chứng nhận hợp chuẩn

Hợp quy và hợp chuẩn là hai trạng thái của sản phẩm, hàng hóa khi đã đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn quốc gia. Trong đó, chứng nhận hợp quy được cấp cho sản phẩm đạt quy chuẩn kỹ thuật; chứng nhận hợp chuẩn được cấp cho sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Tương tự với quy chuẩn và tiêu chuẩn, hai khái niệm này cũng có những khác biệt mà không phải người tiêu dùng và doanh nghiệp nào cũng nắm rõ để xác minh trong quá trình mua bán, kinh doanh hàng hóa. Bảng so sánh dưới đây chỉ ra những khác biệt về mặt nội dung:

Sự khác nhau giữa chứng nhận hợp chuẩn hợp quy và kiểm định

 

Đối với thang máy sản xuất trong nước, việc chứng nhận hợp quy được thực hiện theo phương thức 5 hoặc phương thức 8. Đối với thang máy nhập khẩu, việc chứng nhận hợp quy được thực hiện theo phương thức 7 hoặc phương thức 8.

– Phương thức 5: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất;

– Phương thức 7: Thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa;

– Phương thức 8: Thử nghiệm hoặc kiểm định toàn bộ sản phẩm, hàng hóa.

Trình tự công bố hợp quy:

1. Trường hợp công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá

a) Đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước;

– Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ công bố hợp quy theo quy định tại Điều 14 Thông tư 28/2012/TT-BKHCN Quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho cơ quan chuyên ngành để công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá của tổ chức, cá nhân;

– Sau khi nộp hồ sơ công bố hợp quy tại cơ quan chuyên ngành, tổ chức, cá nhân được phép lưu thông hàng hóa.

b) Đối với hàng hóa nhập khẩu:

– Tổ chức, cá nhân đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu với các thông tin sau: tên tổ chức, cá nhân nhập khẩu, địa chỉ, điện thoại, fax; tên hàng hóa, nhãn hiệu, kiểu loại; đặc tính kỹ thuật; xuất xứ, nhà sản xuất; khối lượng, số lượng; cửa khẩu nhập; thời gian nhập; hợp đồng (Contract); danh mục hàng hóa (Packing list); hóa đơn (Invoice); vận đơn (Bill of Lading); tờ khai hàng hóa nhập khẩu; số hiệu quy chuẩn kỹ thuật; cam kết chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Trong thời gian 01 ngày làm việc, cơ quan chuyên ngành xác nhận tổ chức, cá nhân đã đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu trên bản đăng ký của tổ chức, cá nhân;

– Tổ chức, cá nhân nộp bản đăng ký có xác nhận của cơ quan chuyên ngành cho cơ quan hải quan để được phép thông quan hàng hóa;

– Trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày thông quan hàng hóa, tổ chức, cá nhân phải nộp kết quả tự đánh giá theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 14 Thông tư này cho cơ quan chuyên ngành.

Tổ chức, cá nhân phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về kết quả tự đánh giá và bảo đảm hàng hóa phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng. Trường hợp hàng hóa không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng, tổ chức, cá nhân phải kịp thời báo cáo cơ quan chuyên ngành, đồng thời tổ chức việc xử lý, thu hồi hàng hóa này theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp công bố hợp quy dựa trên kết quả đánh giá của tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc được thừa nhận (sau đây viết tắt là tổ chức chứng nhận)

a) Đối với sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước:

– Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ công bố hợp quy theo quy định tại Điều 14 Thông tư 28 cho cơ quan chuyên ngành để công bố hợp quy dựa trên kết quả đánh giá của tổ chức chứng nhận;

– Sau khi có bản Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy của cơ quan chuyên ngành, tổ chức, cá nhân được phép lưu thông hàng hóa.

b) Đối với hàng hóa nhập khẩu:

– Tổ chức, cá nhân đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu với các thông tin sau: tên tổ chức, cá nhân nhập khẩu, địa chỉ, điện thoại, fax; tên hàng hóa, nhãn hiệu, kiểu loại; đặc tính kỹ thuật; xuất xứ, nhà sản xuất; khối lượng, số lượng; cửa khẩu nhập; thời gian nhập; hợp đồng (Contract); danh mục hàng hóa (Packing list); hóa đơn (Invoice); vận đơn (Bill of Lading); tờ khai hàng hóa nhập khẩu; số hiệu quy chuẩn kỹ thuật; cam kết chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Trong thời gian 01 ngày làm việc, cơ quan chuyên ngành xác nhận tổ chức, cá nhân đã đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu trên bản đăng ký của tổ chức, cá nhân;

– Tổ chức, cá nhân nộp bản đăng ký có xác nhận của cơ quan chuyên ngành cho cơ quan hải quan để được phép thông quan hàng hóa;

– Trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày thông quan hàng hóa, tổ chức, cá nhân phải nộp bản sao y bản chính Giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật cho cơ quan chuyên ngành.

Trường hợp, hàng hóa đã được tổ chức chứng nhận đánh giá tại nước xuất khẩu, trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày thông quan, tổ chức, cá nhân phải nộp bản sao y bản chính Giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật cho cơ quan chuyên ngành.

Tổ chức, cá nhân phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và bảo đảm hàng hóa phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng. Trường hợp hàng hóa không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng, tổ chức, cá nhân phải kịp thời báo cáo cơ quan chuyên ngành, đồng thời tổ chức việc xử lý, thu hồi hàng hóa này theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp công bố hợp quy dựa trên kết quả đánh giá của tổ chức chứng nhận được chỉ định

a) Đối với sản phẩm, háng hóa sản xuất trong nước:

– Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ công bố hợp quy theo quy định tại Điều 14 Thông tư này kèm theo bản sao y bản chính Giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật của tổ chức chứng nhận được chỉ định cho cơ quan chuyên ngành để được cấp Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy;

– Sau khi có Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy, tổ chức, cá nhân được phép lưu thông hàng hóa.

b) Đối với hàng hóa nhập khẩu:

– Tổ chức, cá nhân đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu với các thông tin sau: tên tổ chức, cá nhân nhập khẩu, địa chỉ, điện thoại, fax; tên hàng hóa, nhãn hiệu, kiểu loại; đặc tính kỹ thuật; xuất xứ, nhà sản xuất; khối lượng, số lượng; cửa khẩu nhập; thời gian nhập; hợp đồng (Contract); danh mục hàng hóa (Packing list); hóa đơn (Invoice); vận đơn (Bill of Lading); tờ khai hàng hóa nhập khẩu; số hiệu quy chuẩn kỹ thuật; cam kết chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa kèm theo bản sao y bản chính Giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật của tổ chức chứng nhận được chỉ định;

– Cơ quan chuyên ngành cấp Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu;

– Sau khi có Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu, tổ chức, cá nhân nộp bản sao y bản chính Thông báo này cho cơ quan hải quan để thông quan hàng hóa.

Trên giấy chứng nhận hợp quy phải thể hiện được các thông tin về thang máy, bao gồm:

– Mã hiệu;
– Số chế tạo;
– Nhà chế tạo;
– Xuất xứ;
– Năm sản xuất;
– Đặc trưng kỹ thuật (Loại thang, tải trọng, vận tốc định mức, số điểm dừng, số lượng người cho phép trong thang máy);
– Kết luận về sự phù hợp thiết kế của thiết kế thang máy hoặc các các bộ phận an toàn của thang máy phù hợp với các yêu cầu quy định tại quy chuẩn này.

3. Nhãn dán và hồ sơ lý lịch thang máy

Nhãn hàng hóa là một phần quan trọng của mỗi loại hàng hóa, sản phẩm. Không kể đến các mục đích khác thuộc về phía doanh nghiệp thì việc dán nhãn sản phẩm là quy định bắt buộc theo quy định. Theo đó, nội dung một nhãn sản phẩm, hàng hóa bao gồm các thông tin của hàng hóa để làm căn cứ cho cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, kiểm soát hàng hóa. Tương tự, thang máy cũng cần được dán nhãn theo quy định. Nhãn hàng hóa gồm nhãn gốc và nhãn phụ.

Nhãn gốc của hàng hóa là nhãn thể hiện lần đầu do tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa.

Ngoài ra, thang máy nhập khẩu cũng cần có thêm nhãn phụ. Nhãn phụ là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc được dịch từ nhãn gốc của hàng hóa bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu; (Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc).

Nội dung trên nhãn bắt buộc phải đủ:

– Tên hàng hóa;

– Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;

– Xuất xứ hàng hóa;

– Khuyến cáo: nên có thêm các thông số kỹ thuật sư bản, năm sản xuất, thông tin cảnh báo an toàn.

Lý lịch thang máy là một phần trong hồ sơ thang máy bắt buộc có trong quá trình thương mại và sau đó cũng cần được lưu giữ đầy đủ cho các công tác bảo trì, kiểm định định kỳ và kiểm tra của các cơ quan chức năng. Một bộ lý lịch thang máy phải bao gồm các thông tin sau:

1. Thông tin chung về thang máy, bao gồm các nội dung tối thiểu sau:

– Mã hiệu, số chế tạo, nhà chế tạo, năm sản xuất, nơi sản xuất.

– Đặc tính kỹ thuật kỹ thuật: Công dụng, tải trọng, vận tốc, số điểm dừng, loại dẫn động, hệ thống điều khiển thang máy, đặc tính của cáp, ray dẫn hướng, môi trường làm việc của thang máy…

2. Các bản vẽ kỹ thuật về:

– Sơ đồ nguyên lý hoạt động;

– Bản vẽ thể hiện việc bố trí các bộ phận/thiết bị an toàn, sơ đồ hệ thống điều khiển, sơ đồ mắc cáp và đối trọng của thang máy.

3. Phần nhật ký dùng cho việc ghi chú về những lần kiểm định, kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì. Người trực tiếp thực hiện kiểm định, kiểm tra, thử nghiệm, sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì hoặc thay thế các bộ phận/thiết bị của thang máy phải có trách nhiệm ghi thông tin vào sổ tay. Các thông tin phải bao gồm các nội dung sau:

– Tên và chữ ký xác nhận của người thực hiện;

– Ngày thực hiện;

– Nội dung thực hiện (kiểm định, kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì, thay thế…);

– Những khuyến cáo cho người sử dụng trong quá trình vận hành thang máy.

Trong trường hợp thang máy không có đầy đủ các hồ sơ, tài liệu kỹ thuật của thang máy quy định, tổ chức, cá nhân quản lý thang máy phải có trách nhiệm lập lại những hồ sơ, tài liệu còn thiếu. Việc lập lại hồ sơ, tài liệu kỹ thuật của thang máy phải do tổ chức chứng nhận được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ định hoặc thừa nhận thực hiện.

4. Kiểm định và bảo trì, bảo dưỡng

Chứng nhận kiểm định thang máy là yêu cầu bắt buộc trước khi thang máy đưa vào vận hành. Ngoài ra, trong quá trình sử dụng thang máy cũng cần được kiểm định định kỳ theo quy định.

– Thời hạn kiểm định kỹ thuật an toàn định kỳ đối với thang máy lắp đặt tại các tòa nhà chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại, bệnh viện, khách sạn, nhà máy sản xuất hay tại khu vực công cộng là hai (02) năm một lần.

– Thời hạn kiểm định kỹ thuật an toàn định kỳ đối với thang máy lắp đặt tại các công trình khác với công trình nêu tại khoản 1 Điều này là ba (03) năm một lần.

– Thời hạn kiểm định kỹ thuật an toàn định kỳ đối với các thang máy đã có thời hạn sử dụng trên 15 năm là một (01) năm một lần.

Thang máy trong quá trình sử dụng phải được bảo trì định kỳ ít nhất 03 (ba) tháng một lần. Đối với các thang máy được lắp đặt tại các căn hộ chung cư, các tòa nhà văn phòng, tòa nhà trung tâm thương mại, bệnh viện, khách sạn, nhà máy sản xuất, khu vực công cộng (như sân bay, nhà ga…) thì thời hạn bảo trì định kỳ ít nhất 01 (một) tháng một lần.

Từ những quy định trên từ hành lang pháp lý trong lĩnh vực thang máy, người tiêu dùng và doanh nghiệp cần nắm được những thông tin quan trọng đặc thù liên quan đến những hoạt động của cá nhân, tổ chức liên quan đến thang máy.

II. Trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức

1. Người tiêu dùng, doanh nghiệp

Trong quá trình kinh doanh, mua bán, sử dụng thang máy, người tiêu dùng và doanh nghiệp cần nắm được 5 yêu cầu phải đảm bảo tuyệt đối:

a) Thang máy kể từ khi sản xuất, nhập,… cho đến khi khách hàng sử dụng phải có đầy đủ:

– Lý lịch thang máy

– Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo trì, quy trình xử lý sự cố, khuyến cáo kỹ thuật

b) Trước khi đưa vào sử dụng thang máy bắt buộc phải được gắn nhãn.

c) Trước khi đưa vào sử dụng thang máy bắt buộc phải được công bố hợp quy (thể hiện qua Giấy chứng nhận hợp quy).

d) Trước khi đưa vào sử dụng thang máy bắt buộc phải được kiểm định kỹ thuật an toàn thang máy (do một đơn vị có đủ điều kiện kiểm định) (thể hiên qua Giấy chứng nhận kết quả kiểm định).

2. Các đơn vị lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa thang máy

– Phải có sổ phân công, theo dõi việc lắp đặt, bảo trì (trong đó thể hiện được tên người chịu trách nhiệm, nội dung công việc, thời gian thực hiện);

– Phải bố trí người am hiểu về nguyên lý cấu tạo của thang máy, được huấn luyện về an toàn lao động và nắm bắt được các kỹ năng để thực hiện các công việc liên quan đến việc lắp đặt, bảo trì và sửa chữa thang máy.

– Phải tuân thủ các quy định tại quy chuẩn này và đảm bảo an toàn trong quá trình lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa thang máy.

– Phải đặt các biển cảnh báo, biển chỉ dẫn hoặc rào chắn để ngăn ngừa những người không có thẩm quyền tiếp cận vào khu vực đang thực hiện công việc lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng hoặc sửa chữa thang máy.

– Ghi chép về những nội dung kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì vào lý lịch của thang máy.

3. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân quản lý thang máy

– Tổ chức, cá nhân quản lý thang máy phải đảm bảo rằng thang máy phải được kiểm định, bảo trì định kỳ theo quy định tại mục 3.3 và mục 3.5.1 của quy chuẩn này và phải đảm bảo các điều kiện an toàn trước khi đưa thang máy vào hoạt động.

– Phối hợp với đơn vị lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa trong việc cung cấp thông tin, các hồ sơ, tài liệu, các điều kiện để đơn vị lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa thực hiện.

– Lưu các hồ sơ, biên bản liên quan đến kết quả của công việc bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa hoặc thay thế các linh kiện, bộ phận của thang máy.

Các tổ chức, cá nhân thiết kế, sản xuất, nhập khẩu, phân phối, lắp đặt, sử dụng, sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì thang máy có trách nhiệm tuân thủ các quy định tại quy chuẩn này.

III. Chế tài liên quan đến lĩnh vực thang máy (hành chính, dân sự, hình sự)

1. Chế tài xử phạt hành chính

Điều 23, Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (có hiệu lực từ 15/04/2020) đối với thang máy là thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động:

Điều 23. Vi phạm quy định về sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động
Phạt tiền đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động như sau:

1. Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không khai báo với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tại địa phương trong khoảng thời gian 30 ngày trước hoặc sau khi đưa vào sử dụng các máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

2. Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không lưu giữ đầy đủ hồ sơ kỹ thuật máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
3. Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm các quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động trong sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động chưa được chứng nhận phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng; sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng hoặc hết thời hạn sử dụng.
4. Từ 02 lần đến 03 lần tổng chi phí kiểm định máy, thiết bị, vật tư vi phạm (tính theo mức giá tối thiểu do cơ quan có thẩm quyền quy định) nhưng không thấp hơn 20.000.000 đồng và tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với hành vi không kiểm định trước khi đưa vào sử dụng hoặc không kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
5. Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với một trong các hành vi tiếp tục sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đã thực hiện kiểm định nhưng kết quả kiểm định không đạt yêu cầu.

 

2. Chế tài dân sự (Bồi thường thiệt hại)

Theo khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định nội dung sau đây: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”

Cơ sở của Bồi thường thiệt hại:

– Thứ nhất: Các chủ thể có hành vi trái pháp luật

– Thứ hai: Có thiệt hại xảy ra trong thực tế

– Thứ ba: Có mối quan hệ giữa hành vi vi phạm pháp luật và thiệt hại xảy ra

– Thứ tư: Do lỗi của người vi phạm nghĩa vụ dân sự

3. Chế tài hình sự

Điều 295 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người nêu:

1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơthể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

d) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Tìm hiểu rõ các quy định về thang máy là điều cần thiết đối với cả doanh nghiệp và người tiêu dùng, từ đó nắm được quyền và trách nhiệm, những quy trình, thông tin cần hiểu rõ trong quá trình sản xuất, mua bán, lắp đặt, vận hành thang máy.

Lưu Hiền Minh
Nguồn: (Theo Tạp chí Thang máy)

0938 685 774