Giải pháp nâng cấp thang máy nào phù hợp cho bạn?

Giải pháp nâng cấp thang máy nào phù hợp cho bạn?

Hơn 1,6 tỉ Euro được các khách hàng châu Âu chi ra chỉ riêng trong năm 2018 để nâng cấp, hiện đại hóa những chiếc thang máy. Việc giữ cho thang máy cũ hoạt động hoàn hảo là công việc chính của nhiều công ty thang máy ở châu Âu và ngày càng tăng trên toàn cầu. Theo dữ liệu mới nhất của Hiệp hội Thang máy châu Âu, có trên 6 triệu 150 nghìn thang máy đã được lắp đặt ở Châu Âu, rất nhiều trong số đó đã hoạt động trên 15 năm. Chúng ta có thể phân loại thành năm mức độ hiện đại hóa thang máy, đáp ứng các nhu cầu khác nhau của khách hàng. Tại Việt Nam, công việc hiện đại hóa những chiếc thang máy cũng đã được tiến hành vài năm nay và được khách hàng nồng nhiệt hưởng ứng.

Mức độ 1: Thay thế các linh kiện

Mức độ hiện đại hóa đầu tiên, mục đích chính là giữ cho hệ thống thang máy hoạt động hiệu quả là việc thay thế một loạt linh kiện bị lão hóa hoặc hao mòn. Chẳng hạn như cáp, puli, ray dẫn hướng, các linh kiện của cửa tầng, cửa cabin, phanh… Hoạt động này giống với việc bảo trì thang máy. Công việc này rõ ràng là mang đến lợi ích cho cả người sử dụng thang và các công ty thang máy. Theo đó, việc chủ động thay thế thiết bị, linh kiện được thực hiện vào thời điểm thang ít được sử dụng nhất và không gây bất tiện cho người sử dụng. Công ty thang máy không phải tốn thêm chi phí phát sinh do việc thay thế linh kiện khẩn cấp khi thang máy không hoạt động. Đồng thời công ty có thể chủ động chuẩn bị nguồn thiết bị, linh kiện trước và lên kế hoạch cho đội kĩ thuật của họ. Việc cùng lúc thay thế toàn bộ các thiết bị bị hao mòn cho phép thiết lập lại chính xác mức độ hoạt động ban đầu của thang và tránh việc phát sinh thay thế các thiết bị khác có thể đã sắp đến cuối chu kỳ hoạt động và hư hỏng.

Hiện đại hóa thang máy là hoạt động chính của rất nhiều công ty thang máy ở châu Âu

Mức độ 2: Thay thế hoặc nâng cấp thiết bị

Mức độ 2 là các hoạt động thay thế một thiết bị cụ thể trong thang máy. Các hoạt động này tập trung vào các thiết bị nhằm tăng giá trị, chức năng cho thang máy. Cụ thể, các thiết bị chính như bộ truyền động cửa cabin, bộ truyền động có hộp số và không hộp số, các thiết bị bên trong cabin và các thiết bị khác liên quan đến tính thẩm mỹ (các cánh cửa tầng, gương, trần cabin và đèn).

Công việc này nhằm phục vụ thay thế các thiết bị hỏng hóc hay để kết hợp với các tính năng mới nhất cho thang máy đang sử dụng. Hoặc để cải tiến thang máy giúp người khuyết tật sử dụng thang dễ dàng hơn (một ví dụ điển hình là việc thay thế cửa tầng mở tay sang loại cửa tầng tự động hoặc thay thế cửa cabin mở tay sang loại cửa cabin tự động). Một mục đích nữa là để đáp ứng các nhu cầu của người sử dụng muốn tăng tính thẩm mỹ cho thang.

Để đơn giản hóa hoạt động này, nhà sản xuất thiết bị đã phát triển hàng loạt sản phẩm cụ thể cho việc hiện đại hóa. Các sản phẩm này có kích thước nhỏ gọn để dễ dàng lắp đặt vào trong thang máy ở một khoảng không giới hạn, dễ dàng tương thích với các thiết bị có sẵn (ví dụ các thiết bị kết nối cửa cabin tự động mới với cửa tầng mở tay có sẵn). Các nhà cung cấp thiết bị có nhiều giải pháp thiết kế đồng bộ thiết bị thay thế để giảm thiểu việc phải cải tạo thang máy hiện tại ở công trình và bất kì việc xây dựng nào liên quan, giảm độ phức tạp và thời gian lắp đặt.

Bộ truyền động cửa cabin được hiện đại hóa

Bộ truyền động cửa cabin được hiện đại hóa

Thiết bị được hiện đại hóa theo nhu cầu của khách hàng

Thiết bị được hiện đại hóa theo nhu cầu của khách hàng

Mức độ 3: Hiện đại hóa đa thiết bị và giải pháp

Phần lớn việc hiện đại hóa thang máy ở châu Âu đang chuyển sang mức độ thứ ba: áp dụng hiện đại hóa đa thiết bị. Khi sử dụng giải pháp này, mặc dù cần dừng hoạt động thang lâu hơn một chút, nhưng có thể khả thi hóa việc tăng hiệu suất hoạt động của thang máy đáng kể trên phương diện vận hành, mức độ an toàn, tuân thủ theo các quy định mới. Đồng thời, đạt được tiết kiệm năng lượng, mức độ dễ dàng tiếp cận cho người khuyết tật, trải nghiệm và độ hài lòng của người sử dụng.

Đó là việc thay thế bo mạch điều khiển và các bảng hiển thị, nút bấm, cải thiện trải nghiệm vận hành. Hay như thay thế bộ truyền động có hộp số sang loại bộ truyền động không hộp số hiện đại để tiết kiệm mức độ tiêu thụ năng lượng.

Mức độ 3 này cũng bao gồm việc tăng tính thẩm mỹ cho thang, ví dụ như thay thế hoặc ốp vách bên trong cabin hoặc cải tạo lại cửa tầng. Ngoài ra, có thể kể đến các biện pháp giúp thang tuân thủ các qui định hiện hành gồm thay thế thiết bị hoặc giải pháp lên một thang có sẵn để cập nhật các quy định mới nhất. Đây là một yếu tố quan trọng trong việc tăng độ an toàn thang máy và nó đã được yêu cầu bởi một số quốc gia ở châu Âu (trong đó có Đức) , không chỉ cho các thang lắp đặt mới, mà còn được áp dụng cho thang cải tạo.

Tại Việt Nam, việc nâng cấp thang máy, trang bị thêm cho thang máy những tính năng hiện đại hơn, an toàn hơn, thẩm mỹ hơn đã được tiến hành từ vài năm nay. Chẳng hạn tính năng người dùng tự cứu hộ SRS (Self Rescue System). Tính năng này hoạt động khi gặp sự cố mất điện, bộ cứu hộ tự động ARD hỏng, người dùng chỉ cần ấn vào nút màu đỏ trên màn hình, thang sẽ tự động di chuyển về tầng gần nhất và mở cửa để người dùng bước ra ngoài. Một tính năng an toàn khác là Hệ thống liên lạc Emcall. Khi có sự cố xảy ra, người dùng chỉ cần ấn vào nút màu vàng trên bảng điều khiển, thang máy sẽ tự động kích hoạt, thực hiện tuần tự cuộc gọi đến 5 số điện thoại được cài đặt từ trước (số của kỹ thuật viên và người thân trong gia đình) cho đến khi điện thoại được kết nối. Không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ người dùng khỏi những tình huống nguy hiểm như mất điện, kẹt thang, hiện nay, thang máy còn được cải tiến phát triển lên những bước mới, cảnh báo người dùng khỏi những mối nguy hiểm khác. Điều này chính là nhờ vào Hệ thống cảnh báo đột quỵ SWS (Stroke Warning System) tự kích hoạt khi có người bị kẹt trong cabin bị mất ý thức (đột quỵ, ngất,..). SWS sẽ gửi tin nhắn đến trung tâm để cứu hộ kịp thời… Tất cả các chức năng an toàn trên đã được tích hợp hoặc nâng cấp cho một số mẫu thang máy cao cấp được cung cấp tại Việt Nam

Nút cứu hộ “màu đỏ” thuộc hệ thống SRS trong cabin thang máy

Nút cứu hộ “màu đỏ” thuộc hệ thống SRS trong cabin thang máy

Mức độ 4: Thay thế hoàn toàn một thang máy mới

Trong trường hợp thang máy bị hỏng nặng hoặc đã vận hành lâu năm xuống cấp thì việc hiện đại hóa cần phải mở rộng ra toàn bộ hệ thống. Trong những trường hợp như vậy, chỉ có ray dẫn hướng được giữ lại và một thang mới hoàn toàn sẽ được lắp đặt ở giếng thang hiện tại.

Những trường hợp thay thang máy mới rất thích hợp cho một tòa nhà được trùng tu hoàn toàn bởi khi đó thang máy đã được thay đổi mục đích sử dụng hoặc bố trí thêm các điểm dừng. Hiện nay, những thang máy công nghệ mới, không cần phòng máy và chỉ cần hố pit thấp từ 15 – 25cm được sử dụng khá phổ biến vì có thể lắp đặt vào những giếng thang nhỏ nhất của các căn nhà cải tạo không chỉ ở châu Âu mà còn khá thông dụng tại Việt Nam.

Mức độ 5: Đồng bộ hóa dịch vụ

Để thang máy luôn hoạt động tốt và có thể khai thác được hết ứng dụng của việc hiện đại hóa, một điều rất quan trọng là khách hàng phải chọn được các đối tác có khả năng cung cấp dịch vụ hỗ trợ đầy đủ, chuyên nghiệp trong suốt quá trình sử dụng và hiện đại hóa thang máy.

Trong việc hiện đại hóa tòa nhà cổ, sử dụng các thiết bị phù hợp với thẩm mỹ hiện có là điều được khuyến khích

Đó là lí do tại sao cấp độ hiện đại hóa thứ năm vô cùng quan trọng lại là các dịch vụ liên quan tới thang máy. Bên cạnh việc cung cấp các thiết bị và bộ thiết bị, nhà sản xuất tốt nhất sẽ cung cấp được các dịch vụ như kiểm định tại công trình và các dịch vụ đo kiểm để thang máy được “khám sức khỏe” thường xuyên và nhanh chóng phát hiện ra lỗi nếu có. Nhà cung cấp cũng cần có dịch vụ kĩ thuật để tìm ra giải pháp kĩ thuật thích hợp nhất cho mỗi thang máy để có thể được hiện đại hóa. Cùng với đó, cần có dịch vụ đào tạo để nhân viên có trình độ tốt nhất phục vụ hiện đại hóa thang máy. Đồng thời, cần có dịch vụ hậu mãi để giải quyết nhanh chóng bất kì vấn đề nào tại công trình. Các dịch vụ này là cần thiết để thực hiện các hoạt động hiện đại hóa trong khoảng một khoảng thời gian và chi phí đã được xác định trước, từ đó nhận được sự hài lòng cao nhất từ người sử dụng. Để được như vậy, các đơn vị cung cấp thang máy, dịch vụ thang máy đều có những chứng chỉ cần thiết, có đội ngũ thợ kỹ thuật được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản, được cấp chứng chỉ nghề,…

Tại Việt Nam, mới đây Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy trực thuộc Hiệp hội Thang máy Việt Nam ra đời với một trong những nhiệm vụ chính là đào tạo, sát hạch nhân lực ngành thang máy. Công tác đào tạo nhân viên kỹ thuật lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng thang máy được tiến hành chuyên nghiệp với tài liệu đào tạo được biên soạn công phu do đội ngũ kỹ sư lành nghề kết hợp với các cơ sở đào tạo như trường đại học, trường dạy nghề biên soạn. Các học viên tham gia khóa học sẽ được đào tạo với nền tảng vững chắc về lý thuyết, về công tác thực hành. Sau khóa học các học viên có thể lắp đặt, vận hành thuần thục thang máy. Học viên bắt buộc phải trải qua kỳ sát hạch để cấp chứng chỉ và các cấp hạng chứng chỉ sẽ phân loại rõ trình độ của các học viên.

Lê Hùng – Hà My
Nguồn: (Theo Tạp chí Thang máy)

0938 685 774