Những quy định mới nhất về kiểm định thang máy

Những quy định mới nhất về kiểm định thang máy

Thang máy được quy định nằm trong loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động. Do vậy, việc kiểm định thang máy trước khi đưa vào sử dụng và theo định kỳ là quan trọng mang tính chất bắt buộc. Những thông tin cơ bản nhất về kiểm định sẽ có ngay trong phần dưới đây.

infographic-Quy định mới nhất về kiểm định thang máy
infographic-Quy định mới nhất về kiểm định thang máy

Tại sao thang máy cần kiểm định?

Thang máy là thiết bị chuyên chở người và các vật dụng lên cao. Vì vậy, thiết bị này cần phải luôn được vận hành ở trạng thái tốt nhất, hạn chế nguy cơ xảy ra các sự cố. Để đảm bảo an toàn, yêu cầu kiểm định thang máy trước khi đưa vào sử dụng và định kỳ là yếu tố bắt buộc.

Thang máy đạt tiêu chuẩn sau khi kiểm định sẽ được dán tem. Nếu không thực hiện kiểm định, chủ đầu tư hay tổ chức, cá nhân sử dụng sẽ bị phạt tối đa đến 75 triệu đồng (Điều 23, Nghị định 28/2020/NĐ-CP).

Tại sao thang máy cần kiểm định?

Tổ chức nào được phép kiểm định

Cơ quan kiểm định thang máy phải là: Các đơn vị (trực thuộc nhà nước hoặc doanh nghiệp) được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn thang máy.

Giấy phép kiểm định này do Cục An Toàn Lao Động, Bộ Lao Động – Thương Binh và Xã Hội cấp phép.

Căn cứ pháp lý để thực hiện kiểm định

Thông tư 12/2021/TT-BLĐTBXH quy định quy trình kiểm định số QTKĐ: 02-2021/BLĐTBXH (Có hiệu lực từ 15/11/2021 đến nay)

Thời hạn kiểm định

  • Thời hạn kiểm định kỹ thuật an toàn định kỳ đối với thang máy lắp đặt tại các tòa nhà chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại, bệnh viện, khách sạn, nhà máy sản xuất hay tại khu vực công cộng là hai (02) năm một lần.
  • Thời hạn kiểm định kỹ thuật an toàn định kỳ đối với thang máy lắp đặt tại các công trình khác ba (03) năm một lần.
  • Thời hạn kiểm định kỹ thuật an toàn định kỳ đối với các thang máy đã có thời hạn sử dụng trên 15 năm là một (01) năm một lần.
  • Dựa trên tình trạng của thiết bị, thời hạn kiểm định kỹ thuật an toàn có thể được rút ngắn do kiểm định viên quyết định trên cơ sở thống nhất với tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc quản lý thang máy.
Đặt biển cảnh báo để mọi người biết thang máy đang được kiểm định
Đặt biển cảnh báo để mọi người biết thang máy đang được kiểm định

Quy trình kiểm định

Bước 1: Kiểm tra hồ sơ kỹ thuật

– Hồ sơ chế tạo, lý lịch thang máy

– Hồ sơ lắp đặt, hoàn công, hồ sơ thay thế,…

– Biên bản và phiếu kết quả kiểm định lần trước

– Hướng dẫn vận hành và xử lý sự cố

Bước 2: Kiểm tra kỹ thuật

– Kiểm tra cáp, các chi tiết và bộ phận của cabin để kịp thời phát hiện khuyết tật,…

– Kiểm tra hệ thống thủy lực (đối với thang máy thủy lực)

– Đo điện trở nối đất

Bước 3: Thử nghiệm

– Tiến hành thử nghiệm không tải và có tải khi các bước kiểm tra trên đã đạt yêu cầu.

– Sau đó đánh giá tình trạng hoạt động của các cơ cấu an toàn, bảo hiểm thang máy sau quá trình thử nghiệm.

Kiểm tra Cabin, khả năng đóng mở, sai lệch của các cửa tầng và thử tải
Kiểm tra Cabin, khả năng đóng mở, sai lệch của các cửa tầng và thử tải

Bước 4: Xử lý kết quả kiểm định thang máy

– Lập biên bản kiểm định thang máy theo mẫu quy định

– Lập biên bản kiến nghị, khắc phục.

– Dán tem kiểm định, ban hành kết quả nếu kiểm định thang máy đạt yêu cầu.

Dán tem kiểm định thang máy

Chi phí kiểm định thang máy

Thông tư 41/2016 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có quy định về mức giá tối thiểu khi kiểm định các sản phẩm thang máy.

  • Với thang máy dưới 10 tầng, chi phí kiểm định là 2.000.000đ/thiết bị.
  • Với thang máy từ 10 tầng đến 20 tầng, chi phí kiểm định là 3.000.000đ/thiết bị.
  • Với thang máy trên 20 tầng, chi phí kiểm định là 4.500.000đ/thiết bị.

Mức xử phạt khi đưa thang máy vào sử dụng mà không qua kiểm định

Điều 23, Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (có hiệu lực từ 15/04/2020).

  • Phạt 1.000.000đ đến 2.000.000đ khi không khai báo trong vòng 30 ngày khi đưa thang máy vào sử dụng.
  • Phạt 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không lưu giữ đầy đủ hồ sơ kỹ thuật.
  • Phạt 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm các quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; sử dụng thang máy chưa được chứng nhận phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng; sử dụng thang máy không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng hoặc hết thời hạn sử dụng.
  • Phạt 02 lần đến 03 lần tổng chi phí kiểm định máy, thiết bị, vật tư vi phạm (tính theo mức giá tối thiểu do cơ quan có thẩm quyền quy định) nhưng không thấp hơn 20.000.000 đồng và tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với hành vi không kiểm định trước khi đưa vào sử dụng hoặc không kiểm định định kỳ.
  • Phạt 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với một trong các hành vi tiếp tục sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đã thực hiện kiểm định nhưng kết quả kiểm định không đạt yêu cầu.

Thái Sơn
Nguồn: (Theo Tạp chí Thang máy)

0938 685 774