Những điều cần biết để kiểm soát quy trình kiểm định thang máy

Những điều cần biết để kiểm soát quy trình kiểm định thang máy

Để quá trình kiểm định được thực chất, đảm bảo an toàn cho bản thân sau khi thang được cấp phép sử dụng, người tiêu dùng cần phải lưu ý một số vấn đề như kiểm tra tư cách kiểm định viên, giám sát quá trình kiểm định,…

Thang máy là ngành đặc thù, không có nhiều người tiêu dùng am hiểu sâu về kỹ thuật hay các quy trình kiểm định, chất lượng kiểm định,… chính bởi thế, khi thực hiện kiểm định, người tiêu dùng gần như chỉ có thể đặt niềm tin vào các đơn vị, cán bộ kiểm định.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, cán bộ kiểm định có thể chưa làm tròn trách nhiệm của mình, vậy người tiêu dùng cần lưu ý những gì để đảm bảo quyền lợi của mình khi yêu cầu kiểm định thang máy?

Kiểm tra tư cách, năng lực kiểm định viên và công ty

Để kiểm định được đảm bảo, thực chất, người tiêu dùng cần lựa chọn các đơn vị kiểm định uy tín. Và các yếu tố như trình độ nhân viên, quy mô doanh nghiệp, thâm niên hoạt động, trang thiết bị hiện đại,… là những cơ sở giúp người tiêu dùng nhận diện đơn vị kiểm định uy tín, có năng lực.

3 hình thức kiểm định thang máy

Thời hạn kiểm định thang máy

Các hình thức và thời hạn kiểm định thang máy

Bên cạnh đó, người tiêu dùng, người sử dụng thang máy hoàn toàn có quyền giám sát kiểm định viên trong quá trình kiểm định.

Căn cứ Khoản 1, Điều 14 Nghị định 44/2016/NĐ-CP quy định như sau: Kiểm định viên có trách nhiệm xuất trình chứng chỉ kiểm định viên theo yêu cầu của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và với tổ chức, cá nhân có đối tượng đề nghị được kiểm định; chỉ được kiểm định đối với đối tượng kiểm định trong phạm vi ghi trên chứng chỉ kiểm định viên.

Như vậy, theo quy định, khi kiểm định viên tới làm việc cần phải có Giấy giới thiệu của cơ quan, thẻ kiểm định viên, các giấy tờ liên quan khác,… Và người tiêu dùng sử dụng dịch vụ kiểm định có thể yêu cầu cán bộ kiểm định cung cấp các giấy tờ này để kiểm tra tư cách, năng lực kiểm định viên.

Ngoài ra, các thiết bị, dụng cụ phục vụ quá trình kiểm định thang máy cũng cần phải được kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định để đảm bảo tính chính xác.

Kiểm tra hồ sơ kiểm định, quy trình kiểm định

Người sử dụng thang máy cần yêu cầu phía kiểm định cung cấp quy trình kiểm định do nhà nước ban hành và theo dõi việc hoàn thành quy trình đó. Trong quy trình đã ghi chi tiết, cụ thể từng bước thực hiện, tiêu chuẩn so sánh và đánh giá,…

Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của mình trong kiểm định thang máy, người tiêu dùng cũng cần lưu ý cùng cán bộ kiểm định kiểm tra hồ sơ, lý lịch của thang máy trước khi tiến hành các bước tiếp theo.

Cụ thể, bộ hồ sơ, lý lịch thang máy đầy đủ phục vụ công tác kiểm định gồm:

  1. Lý lịch thang máy;
  2. Giấy chứng nhận hợp quy (kiểm tra đối với trường hợp kiểm định lần đầu);
  3. Giấy chứng nhận kiểm định, biên bản kiểm định đã được cấp (không kiểm tra đối với trường hợp kiểm định lần đầu);
  4. Hồ sơ bảo trì;
  5. Hồ sơ bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế (nếu có);
  6. Hồ sơ thiết kế, hoàn công xây dựng giếng thang (kiểm tra đối với thang máy lắp đặt, kiểm định lần đầu).

Lưu ý: Trong khi lựa chọn công ty lắp đặt thang máy, người tiêu dùng cần phải yêu cầu phía công ty cung cấp đầy đủ giấy tờ liên quan tới thang máy, đặc biệt là Giấy chứng nhận hợp quy. Thực tế, nhiều công ty thang máy cung cấp sản phẩm chưa được hợp quy trước khi đưa ra thị trường, trong trường hợp này, thang máy sẽ không được kiểm định.

Điều kiện kiểm định thang máy

Quy trình kiểm định thang máy

Điều kiện và quy trình kiểm định thang máy

Giám sát các khâu kiểm định và yêu cầu giải thích

Một nguyên nhân lớn dẫn đến những vụ tai nạn thang máy thương tâm chính là sự lơ là trong công tác thẩm tra, kiểm định kỹ thuật an toàn thang máy. Theo Thông tư 12/2021/TT-BLĐTBXH quy định quy trình kiểm định số QTKĐ 02-2021/BLĐTBXH, khi kiểm định an toàn kỹ thuật thang máy phải lần lượt tiến hành theo các bước sau:

Kiểm định an toàn kỹ thuật thang máy phải lần lượt tiến hành theo các bước sau

Bên cạnh trách nhiệm của cán bộ kiểm định, người tiêu dùng cũng có thể giám sát các quy trình kiểm định, yêu cầu giải thích khi có thắc mắc về các bước kiểm định.

Người tiêu dùng cũng lưu ý, khi thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn thang máy, kiểm định viên phải thực hiện lần lượt theo các bước kiểm định theo quy định. Bước kiểm định tiếp theo chỉ được tiến hành khi kết quả kiểm định ở bước trước đó đạt yêu cầu.

Lưu ý khi ký biên bản kiểm định

Sau khi quá trình kiểm định hoàn tất, kiểm định viên tiến hành lập biên bản kiểm định. Khi biên bản được thông qua, kiểm định viên, người tham gia chứng kiến kiểm định, đại diện cơ sở hoặc người được cơ sở ủy quyền (PV – tức phía người tiêu dùng yêu cầu kiểm định) cùng ký và đóng dấu (nếu có) vào biên bản.

Trong trường hợp thang máy có kết quả kiểm định đạt yêu cầu kỹ thuật an toàn, kiểm định viên sẽ tiến hành dán tem kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kết quả kiểm định (trong thời gian 5 ngày kể từ ngày thông qua biên bản kiểm định tại cơ sở).

Trong trường hợp thang máy có kết quả kiểm định không đạt các yêu cầu thì thực hiện lập biên bản và thông qua biên bản kiểm định và chỉ cấp cho cơ sở biên bản kiểm định.

Trong đó, phía kiểm định phải ghi rõ lý do thang máy không đạt yêu cầu kiểm định, kiến nghị cơ sở khắc phục và thời hạn thực hiện các kiến nghị đó. Đồng thời gửi biên bản kiểm định và thông báo về cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương nơi lắp đặt, sử dụng thang máy.

Khi ký biên bản kiểm định, người tiêu dùng cần chú ý kiểm tra kỹ các thông tin trên biên bản, đảm bảo tất cả các thông tin được đánh giá đều chính xác và đầy đủ.

Dán tem kiểm định thang máy

Nhân viên kiểm định dán tem kiểm định.

Trong trường hợp không đồng ý với kết quả kiểm định như thang hoạt động không an toàn, vẫn còn lỗi kỹ thuật nhưng vẫn được kiểm định viên đánh giá “đạt”, người tiêu dùng có thể khiếu nại với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc các cơ quan chức năng khác để bảo đảm quyền lợi của mình.

Điều 26 Nghị định 12/2022/NĐ-CP đã quy định chi tiết mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động. Theo đó, đối với hình thức phạt tiền, tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động có thể bị phạt từ 1 – 140 triệu đồng tùy hành vi vi phạm; kiểm định viên có thể bị phạt từ 10 – 70 triệu đồng tuy hành vi vi phạm,…

Với hình thức phạt bổ sung, tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động có thể bị đình chỉ hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động từ 1 – 3 tháng đối với hành vi cung cấp kết quả kiểm định không đúng sự thật hoặc cung cấp kết quả kiểm định mà không thực hiện kiểm định.

Ngoài hình thức phạt tiền và phạt bổ sung, đối với một số hành vi vi phạm quy định quy định về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, người có hành vi vi phạm còn phải thực hiện một số biện pháp khắc phục hậu quả khác.

Thậm chí, trong trường hợp gây chết người, hành vi này được xử lý tại các Điều 128 và 129 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Nếu chưa rõ về bất cứ hạng mục công việc nào trong quy trình kiểm định thang máy hoặc cần tư vấn về các vấn đề khác liên quan tới thang máy, bạn có thể đề nghị trợ giúp từ Trung tâm hỗ trợ và tư vấn dịch vụ của Hiệp hội Thang máy Việt Nam (Số điện thoại: 024 73099868) hoặc Đường dây nóng của Tạp chí Thang máy (0989 761 499) để phản ánh.

Linh Phương
Nguồn: (Theo Tạp chí Thang máy)

0938 685 774