Tiêu chuẩn hoá ngành thang máy, ai được lợi?

Tiêu chuẩn hóa ngành thang máy

Tiêu chuẩn hóa ngành sẽ tạo thêm những rào cản hay mang đến những cơ hội cho doanh nghiệp và người lao động? Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi như thế nào? Hãy cùng Tạp chí Thang máy mổ xẻ các vấn đề để có góc nhìn bao quát và toàn diện.

Những tin tức về thực phẩm bẩn trong nhiều năm nay vẫn luôn là nỗi ám ảnh đối với người tiêu dùng Việt. Bó rau non mỡ màng liệu có thuốc trừ sâu, miếng thịt mua ngoài chợ có phải thực phẩm bẩn được tiêm thuốc chống phân hủy? Tại thời điểm đó, việc áp dụng tiêu chuẩn trong sản xuất, nuôi trồng đã kịp thời lấy lại niềm tin của khách hàng. Tiêu biểu có thể kể đến Tiêu chuẩn VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices) TCVN 11892-1:2017 Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi. Đó mà một gợi ý để chúng ta thấy Tiêu chuẩn hóa quan trọng thế nào trong đời sống.

Nhu cầu tiêu chuẩn hóa ngành thang máy

Nhiều doanh nghiệp thang máy chỉ biết than trời vì chứng kiến chuyện “giá nào cũng bán”, hay như câu chuyện của một chủ doanh nghiệp trong nước kể về những hợp đồng bị hụt mất vì có đơn vị khác chào giá thấp đến mức không tưởng.

Không ít doanh nghiệp trong nước bị cuốn vào cuộc đua giảm giá bằng cách cắt giảm chi phí sản xuất đến mức vi phạm yếu tố an toàn. Tại sao không phải là nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ để tăng tính cạnh tranh?

Thậm chí, những khái niệm “lập lờ đánh lận con đen” như “thang máy liên doanh” vẫn nhan nhản trên các kênh quảng cáo do doanh nghiệp đưa ra.

Khái niệm “liên doanh” thường khiến người tiêu dùng nghĩ rằng đây là sản phẩm của quá trình hợp tác, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nó tạo ra thương hiệu sản xuất nước thứ 3, mặc dù yếu hơn hàng nhập khẩu nhưng lại mạnh hơn hàng nội địa, tức hàng sản xuất trong nước.

Lợi dụng tâm lý này, một số doanh nghiệp mặc dù không liên doanh với nước ngoài nhưng lại nhập mua linh kiện, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh rồi gắn mác “liên doanh” để tạo độ “sang” cho sản phẩm. Nhưng nếu như tiêu chuẩn hóa thì sản phẩm “thang máy liên doanh” là như thế nào?

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp thang máy với nhiều công đoạn từ thiết kế, sản xuất, lắp đặt, kiểm định, vận hành đến bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa đều có những yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Do đó, nhân lực của ngành phải được đào tạo bài bản và đủ kỹ năng để đáp ứng những yêu cầu này.

Như vậy, tiêu chuẩn hóa hoàn toàn hướng đến bảo vệ những lợi ích xoay quanh sản phẩm và thị trường. Với hơn 300 doanh nghiệp thang máy và sẽ còn gia tăng trong thời gian tới, nhu cầu tiêu chuẩn hoá ngành thang máy hiện đã rất cấp thiết trước nguy cơ thị trường trở nên hỗn loạn, khó cho cấp quản lý, khó cho người tiêu dùng, và khó cả với doanh nghiệp.

Khi ngành thang máy tiêu chuẩn hóa

Có 3 lĩnh vực cần được tiêu chuẩn hoá để hướng đến sự phát triển toàn diện của ngành thang máy: sản phẩm, nhân lực và giám định.

1. Tiêu chuẩn hóa sản phẩm

Theo khoản 4 Điều 3 Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007, thang máy là sản phẩm, hàng hóa nhóm 2: Sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, là sản phẩm, hàng hóa trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích vẫn tiềm ẩn khả năng gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường.

Chính vì thế, sản phẩm thang máy bắt buộc phải đáp ứng về quy chuẩn kỹ thuật (QCVN) thì mới được phép lưu hành tại thị trường Việt Nam. Ngoài quy chuẩn kỹ thuật, hiện thị trường Việt Nam cũng đã áp dụng một số tiêu chuẩn kỹ thuật (TCVN) đối với sản phẩm thang máy. Cụ thể, các quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật hiện được áp dụng với sản phẩm thang máy tại Việt Nam được nêu cụ thể tại: Tổng quan quy chuẩn, tiêu chuẩn về thang máy

Các tiêu chuẩn hiện lưu hành được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn kỹ thuật từ một số khu vực có độ uy tín cao trên thế giới như châu Âu (EN – European Norm): TCVN 6396-20:2017 tương đương với EN 81-20:2014, TCVN 6396-50:2017 tương ứng với EN 81-50:2014,… Tiêu chuẩn đã có nhưng doanh nghiệp Việt lại chưa áp dụng đồng bộ, hầu hết mới chỉ có một số doanh nghiệp nhập khẩu có sản phẩm tuân thủ theo các tiêu chuẩn của nước xuất khẩu, còn các doanh nghiệp sản xuất nội địa thì chưa ý thức đến.

Tại Hàn Quốc, để đạt được chứng nhận sản phẩm thang máy sản xuất trong nước thì doanh nghiệp cần sản xuất tối thiểu 3 trên tổng số 8 bộ phận quan trọng của thang máy gồm: hệ thống điều khiển, thiết bị truyền động, bệ cabin, khung cabin, khung đối trọng, cụm cửa tầng, bộ điều tốc, thiết bị dừng khẩn cấp, bộ đệm, thiết bị khóa cửa tầng. Và dù là sản phẩm nội địa hay liên doanh, nhập khẩu thì đều cần thử nghiệm thực tế để đạt được chứng nhận từ Viện chứng nhận Thử nghiệm Hàn Quốc KTC (Korea Testing Certification Institute).

Mỗi chai rượu vang của Pháp xuất khẩu ra nước ngoài đều có chứng nhận tiêu chuẩn được cấp bởi Liên đoàn doanh nghiệp rượu vang Pháp CNAOC (The National Confederation of producers of Appellations of Controlled Origin), điều đó đã giúp Pháp trở thành quốc gia giữ thị phần nhiều nhất trong lĩnh vực xuất khẩu rượu vang trên thế giới và tạo nên thương hiệu truyền thống trứ danh.

Điều này đã trả lời cho câu hỏi đặt ra ngay ở phần đầu. Việc tiêu chuẩn hóa sản phẩm không phải nhằm vào hạn chế khả năng phát triển của doanh nghiệp, mà đó là tạo ra một thị trường minh bạch, chất lượng và công bằng cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Có áp lực mới có kim cương, thay vì dễ dãi thì chúng ta cần khắt khe hơn để “đòi hỏi” nhau tốt lên. Chỉ khi đó, những doanh nghiệp có năng lực mới khẳng định được giá trị của bản thân mà không phải rơi vào tình huống “vàng thau lẫn lộn”.

2. Tiêu chuẩn hóa nhân lực

75% tai nạn và sự cố hàng không diễn ra trong lịch sử có liên quan đến yếu tố con người. Và đó cũng là lý do chính khiến Korean Air – một hãng hàng không của Hàn Quốc, trong giai đoạn từ năm 1988 – 1998 đã bị “gắn mác” với không ít những thảm kịch khiến cho hàng trăm hành khách thương vong sau mỗi chuyến bay bị rơi. Để lội ngược dòng, hãng bay này đã mời các chuyên gia đào tạo, chuẩn hóa nhân lực cả về kỹ thuật và kỹ năng. Tiêu biểu như việc áp dụng quy trình Quản lý tài nguyên phi hành đoàn CRM (Crew Resource Management) được ban hành bởi Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ NASA (National Aeronautics and Space). Nhờ đó, đến nay, Korean Air đã trở thành một trong những hãng hàng không an toàn bậc nhất thế giới.

Mô hình SHELL được áp dụng phổ biến trong quy trình CRM, trong đó thể hiện quá trình tương tác thông tin giữa cá nhân với các yếu tố khác (phần mềm, phần cứng, môi trường và tập thể)

Từ minh chứng này ta có thể nhận định được tầm quan trọng của việc tiêu chuẩn hóa nhân lực.

Cho tới nay, nhân lực ngành thang máy vẫn chủ yếu từ các ngành kỹ thuật gần chuyển sang chứ chưa có mã ngành đào tạo chính quy. Kỹ thuật viên tại các doanh nghiệp thang máy hầu hết được đào tạo theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, người trước dạy người sau, chỉ số ít doanh nghiệp thang máy nhập khẩu uy tín mới nhận được chương trình đào tạo từ các nhà sản xuất lớn.

Tương tự đối với quản lý vận hành thang máy, tại các tòa nhà lớn, nhân viên phụ trách sẽ được tham gia đào tạo vận hành cơ bản và thường được kết hợp với các nội dung kỹ thuật khác liên quan đến tòa nhà như điện, nước,… Tuy nhiên, việc rà soát năng lực, kiểm tra, đánh giá năng lực và đào tạo bổ sung thì chưa có quy định nào cụ thể.

Chỉ có chuẩn hóa mới đặt ra được “mức sàn” cho nhân lực để cải tiến và phát triển.

3. Tiêu chuẩn hóa giám định

Tiêu chuẩn hóa giám định ngành thang máy là giám định cả về chất lượng sản phẩm với các nguy cơ về vận hành, an toàn của sản phẩm ban đầu, cùng đó là giám định cả việc tuân thủ bảo trì, bảo dưỡng, kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng thang máy.

Sự việc nam sinh trường Đại học Hàng hải năm 2012 ngã vào cửa thang máy, bất ngờ cửa thang bật mở khiến nam sinh rơi xuống giếng thang từ tầng 5 dẫn đến tử vong đã dóng lên hồi chuông cảnh báo về giám định kỹ thuật và chất lượng thiết bị. Lập luận “tình huống hi hữu” là không đủ và không được phép lý giải cho những mất mát này.

Theo TCVN 6396-50:2017 (EN 81-50:2014) Yêu cầu an toàn về cấu tạo và lắp đặt thang máy – kiểm tra và thử nghiệm – Phần 50: Yêu cầu về thiết kế, tính toán, kiểm tra và thử nghiệm các bộ phận thang máy có yêu cầu về thử nghiệm về va chạm tĩnh, va chạm động đối với cửa tầng. Nếu việc thử nghiệm này được tiến hành đầy đủ thì những sự cố đáng tiếc như trên sẽ không xảy ra.

Tiêu chuẩn Công nghiệp Hàn Quốc KS (Korea Industria Standard) được coi như một tiêu chuẩn quốc gia của Hàn Quốc thì ngoài đánh giá các thông số kỹ thuật, thông tin qua tài liệu doanh nghiệp cung cấp thì tất cả 33 hạng mục liên quan đến quy trình sản xuất đều được đánh giá trực tiếp tại nhà máy. Không dừng lại ở bước đánh giá này, sau khi toàn bộ các hạng mục đánh giá tại nhà máy này đều đạt, sẽ đến vòng thử nghiệm sản phẩm tại Viện chứng nhận Thử nghiệm Hàn Quốc.

Nghĩa là nếu bạn sản xuất một chiếc đinh ốc hay một chiếc thang máy thì cũng đều cần được thử nghiệm thực tế với các tác động chất lượng mà tiêu chuẩn này yêu cầu: vận hành, chịu lực, chịu nhiệt,…

Các hạng mạc cần đánh giá trực tiếp tại nhà máy sản xuất

Quá trình thử nghiệm này có thể chứng thực được khả năng đảm bảo an toàn của sản phẩm, đặc biệt là với thang máy – sản phẩm yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn.

Thực tế cho thấy, nếu công tác giám định bị coi nhẹ thì mọi thảm họa có thể xảy đến chi từ những điều nhỏ bé nhất.

Hay như một loại thang máy tại các tòa nhà ở Hà Nội đều không được kiểm định, bảo trì, bảo dưỡng theo đúng định kỳ được Tạp chí Thang máy phản ánh thời gian qua. Không chỉ thang máy tại các tòa nhà “cha chung không ai khóc” hoặc ban quản lý không tuân thủ quy định đang gặp tình trạng bị lơ là kiểm định, bảo trì; mà ngay cả thang máy gia đình cũng tương tự.

Nhà cao tầng tại các đô thị lớn ngày càng mọc lên nhiều, nhu cầu lắp thang máy gia đình để phục vụ nhu cầu di chuyển cũng gia tăng. Thế nhưng việc bảo đảm an toàn thang máy tại nhà riêng lại chưa nhận được đủ sự quan tâm, phải chăng, việc giám định sử dụng thang máy cũng cần được nâng tầm tương đương với thanh tra, kiểm tra về phòng cháy chữa cháy?

Tiêu chuẩn hóa ngành, ai được lợi?

Tiêu chuẩn hóa ngành thang máy trước nhất là có lợi cho người tiêu dùng khi được tìm kiếm và lựa chọn sản phẩm trong một thị trường minh bạch, chất lượng, đảm bảo kiểm định chặt chẽ và được sử dụng dịch vụ với nguồn nhân lực đảm bảo tay nghề, tiết kiệm thời gian tìm kiếm doanh nghiệp uy tín cũng như tránh các được các rủi ro.

Người lao động cũng được đào tạo bài bản, được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để quá trình thực hành nghề đảm bảo an toàn và nâng cao thu nhập nhờ khẳng định được chất lượng tay nghề, thậm chí hướng đến cơ hội xuất khẩu chuyên gia và lao động tay nghề cao.

Và doanh nghiệp cũng không phải chịu bất cứ thiệt thòi nào, vừa nâng cao, giữ vững chất lượng sản phẩm, vừa có nguồn nhân lực dồi dào chất lượng, giá trị cạnh tranh luôn gia tăng chứ không hề giảm.

Mọi đối tượng cơ hữu trong ngành thang máy đều được hưởng lợi, thúc đẩy xã hội phát triển, hạn chế các rủi ro mất an toàn xã hội và hướng đến khẳng định thương hiệu thang máy Việt Nam trên thị trường thế giới.

Tiêu chuẩn hóa “cần” trở thành nhận thức cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Lưu Hiền Minh
Thiết kế: Ánh Sáng
Nguồn: (Theo Tạp chí Thang máy)

0938 685 774